Mở đầu phụng vụ hôm nay là một thị kiến lạ lùng mang tính khải huyền được Sách Đa-ni-en tường thuật lại. Ông Đa-ni-en đã nhìn thấy một quang cảnh huy hoàng, hoành tráng, uy nghi rực lửa, và an tọa trên ngai lửa cháy là một Đấng Lão Thành mặc áo trắng như tuyết, tóc tựa lông chiên tinh tuyền vị nầy được hiểu về Thiên Chúa Cha; và “có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (x. Bài Đọc 1, Đn 7, 13), danh xưng “Con Người” được hiểu về Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa Giêsu. Đấng Lão Thành là Chúa Cha trao cho Con Người, là Chúa Con, quyền uy thống trị và vinh quang và vương vị, quyền nầy thì vĩnh cửu và vương quốc của Người không suy vong.
Thị kiến nầy dẫn chúng ta đến với bài tin mừng hôm nay (Lc 9, 28b-36). Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha đã biến hình chói lọi trên đỉnh núi Tabore trước ba môn đệ thân tín, có đám mây bao phủ. Tất cả những yếu tố này, diễn tả sự hiện diện và vinh quang uy nghi của Cha. Hiện diện trong cuộc thần hiển này có cả hai nhân chứng thời Cựu Ước là ông Môsê đại diện cho Luật pháp và ông Êlia đại diện cho Tiên tri, tất cả hướng về Đức Giêsu, Người là trung tâm ơn cứu chuộc, Người đứng giữa các nhân vật Cựu Ước và Tân Ước, Người hoàn tất lời các tiên tri nói về lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Các vị tán đồng chương trình cứu độ sắp thực hiện mà lúc này chưa tiện để nói ra: “Không được kể cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (x. c. 38b); vì đây là bí mật thiên sai, bí mật mật nầy sẽ được mặc khải đúng thời điểm khi Đức Giêsu đã thực hiện xong công trình cứu chuộc. Thiên cơ chưa được bộc bạch vì sợ thiên hạ hiểu nhầm rằng Đức Giêsu chỉ là đấng cứu chuộc trần thế. Vì sao?
Đức Giê-su dùng sự thất bại ô nhục của mình để cứu độ nhân loại, chính vì thế rất có thể sẽ gây ra khủng hoảng nơi các môn đệ còn yếu đức tin, họ đang trong thời kỳ được Chúa huấn luyện, đức tin chưa vững chắc. Chính khi nói bóng gió về việc ra đi chịu chết của Người, việc đó đã gây khủng hoảng nơi các môn đệ, cho nên Chúa Giêsu đã chọn mấy môn đệ thân tín nhất và cho họ tiền hưởng, tiền cảm nghiệm vinh quang chiến thắng của Người. Ba môn đệ nầy được chứng kiến ánh sáng phục sinh tỏa ra trên núi, nơi con người Đức Giêsu. Vinh quang phục sinh nầy khẳng định cho họ chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu, cho dù Người phải đi qua con đường sự chết. Ba môn đệ nầy cũng là chứng nhân, là nhịp cầu nối giữa thất bại và thành công của Chúa Cứu Thế.
Cái chết của Chúa Giêsu đầy đau khổ và ô nhục xét theo nhãn quan nhân loại. Và đề phòng trước một cuộc khủng hoảng xảy ra nơi các môn đệ và không làm môn đệ thất vọng vì con đường khổ nạn mà Chúa sắp bước vào. Đức Giêsu hiển dung cho ba môn đệ trung tín để sau nầy họ có bổn phận làm nhân chứng củng cố đức tin cho các anh em khác. Ánh sáng hôm đó tỏa rạng trên núi Tabore là ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh sau nầy.