Một sinh viên vô thần nói với một vị linh mục: Thưa cha, tôi thấy trong Kitô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là “mầu nhiệm Ba Ngôi”. Phải hiểu thế nào kiểu nói “Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị”? Một mà ba, ba mà một! Thật khó hiểu, nếu không nói là phi lý!
Vị linh mục hỏi: Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?
Ủa! Sao cha hỏi lại thế? Đúng là tôi đang yêu thật!
Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?
Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên! Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!
Đúng lắm! Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?
Hướng đến sự hiệp nhất! Tất cả phải nên một! Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống. Tình đồng chí, tình bằng hữu… hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!
Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?
Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng. Ví dụ, những năm đầu cuộc sống hôn nhân thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe”, nhưng năm sau thì “cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!”. Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện.
Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Ngài là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Ngài là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình Yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa.
Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?
Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?
Thưa không! Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là tình yêu mình trong người bạn đời của mình. Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!
Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi. Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!
Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:
“Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”.
Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.
Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất. Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.
Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiểu nổi. Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1?
Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?
Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt quá mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.
Thánh Kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.
– Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước (Đnl 6,4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung Đông thời bấy giờ.
– Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1,32-34); tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11). Tiếng nói, chim câu, Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…”. Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, Ngài là Chúa Thánh Thần.
Trong Phúc Âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Thánh Phaolô luôn cầu chúc: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất. Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II: Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha. Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính. Đức Kitô thực hiện phần đầu; Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ. Phần hai, dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bỗng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.
Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau. Ba Ngôi là một gia đình. Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau. Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo. Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý. Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.
Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ. Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu. Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha. Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài. Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua bí tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, khi linh mục cử hành Thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.
Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống, đó là tình yêu thần linh. Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong Thánh lễ. Với chúng ta, sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34). Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17,21).
Người tín hữu đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa. Đức Hồng y Henry de Lubac diễn tả: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương. Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn và đau khổ. Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.
Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8,15), em của Chúa Con (x.Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6,19), hợp thành Giáo hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4). Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác ”Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày của mình.