Đây là lần thứ hai mà Chúa nói về cuộc khổ của Chúa sẽ chịu sau này. Chúa chịu khổ nạn là vì yêu thương chúng ta, cứu chúng ta khỏi chết, khỏi trầm luân hư mất đời đời.
Chúa nói về cuộc khổ nạn của Chúa, Chúa chấp nhận phần quá đau khổ, quá tủi nhục, quá thiệt thòi về cho Chúa để chúng ta được hạnh phúc, được sống, được thừa hưởng gia nghiệp hạnh phúc nước trời. Các tông đồ lúc đó và chúng ta ngày hôm nay phải vui mừng, hân hoan, phấn khởi cảm ơn Chúa mới là đúng, mới là phải đạo, mới là chính đáng.
Đàng khác, các tông đồ cần phải đồng càm, sẻ chia với Chúa trong giờ phút quan trọng nhất này đây để phần nào an ủi Chúa, để Chúa không cô đơn, khỏi lẻ loi khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn cứu chuộc con người chúng ta.
Thế nhưng các tông đồ lại có những suy nghĩ khác với những suy nghĩ của Chúa. Trong lúc Chúa nói về cuộc khổ nạn của Chúa thì các ngài lại tranh giành xem ai là người lớn nhất trong lúc cùng đi chung trên một con đường với Chúa, cùng sãi những bước chân song song bước chân của Chúa, cùng nhìn thấy những gì đang diễn ra trên lối đi đó, cùng hướng đến đích của cuối chặng đường đi. Các ngài dường như đồng sàng dị mộng với Chúa: “ Dọc đường các con tranh luận gì thế ? Các ông làm thinh, vì dọc đường các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất “ ( Mc 9, 33 – 34 ).
Các ngài theo Chúa mà vẫn còn mang nặng bùi trần của kiếp người vô thường, vẫn còn tham, sân, si. Có lẽ Chúa sẽ rất mệt nhọc khổ sở để dạy dỗ các ngài. Quả thật, Chúa không la rày các ngài, không phân định người hơn kẻ thua, ai lớn ai bé. Chúa không làm như vậy là vì Chúa thương các ngài. Chúa luôn nhắc nhở các ngài là anh em với nhau trong gia đình của Chúa. Chính vì thế, mà Chúa đã nói: “ Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “ ( Mc 9, 35 ). Để cho các tông đồ hiểu hơn, Chúa gọi một em bé tới, đặt giữa các ngài, và Chúa nói: “ Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đả sai Thầy “ ( Mc 9, 36 – 37 ). Như vậy, Chúa muốn chúng ta sống khiêm hạ, đơn sơ, bé nhỏ, phó thác và biết đón nhận nhau, không hơn thua, tranh giành nhau, và hãy nhường nhịn nhau, yêu thương nhau như anh em một nhà.
Lạy Chúa, Chúa chịu chết không những cho riêng chúng con mà còn cho tất cả mọi người, không biệt một ai cả. Chúa chịu chết cho chúng con là vì Chúa yêu thương chúng con vô cùng, thế mà chúng con không biết ơn Chúa dạy là phải yêu thương nhau, giúp nhau nên thánh, mà lại làm phiền lòng Chúa rất nhiều, đó là chúng con loại trừ nhau, sống ích kỷ hận thù, chia rẽ, bè phái, làm nhiều điều trái khoáy, thủ đoạn để hại nhau, xin Chúa tha thứ cho chúng con và giúp chúng con sống theo ý Chúa, sống yêu thương nhau, làm vinh danh Chúa qua đời sống chia sẻ, phục vụ mọi người. Amen.
Lm Micae Thành Nhân