THỨ SÁU TUẦN THÁNH TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA ( Ga 18, 1 – 19, 42 ) MỘT CÁI CHẾT LÀNH THÁNH (Tác giả: Lm Micae Thành Nhân)

Trước khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, những người biệt phái, luật sĩ, thượng tế, kỳ lão tìm đủ mọi cách thức, dù là cách thức vô nhân đạo, vô liêm sỉ, man rợ, bỉ ổi nhất như là rủa sả, phỉ báng, thách thức, trêu chọc Chúa để làm cho Chúa phải tức tối, phải đau đớn tột cùng trong tinh thần và thể xác, và rồi qua đó, họ mong được thấy Chúa sẽ chết trong nỗi dằn vặt, ray rứt, hối tiếc, cô đơn, tủi hổ…
Giây phút hấp hối là giây phút giao tranh giữa sự sống và sự chết; cho nên rất cần một khoảng không gian thinh lặng, êm đềm để người sắp chết chuẩn bị tâm hồn ra đi trong bình an, thanh thản. Có chăng lúc này là những lời kinh mà chúng ta đọc để cầu nguyện cho người anh chị em thân yêu của chúng ta được ơn chết lành mà thôi. Đối với Chúa thì không có được như vậy, những người biệt phái, luật sĩ, thượng tế, kỳ lão truy cùng, diệt tận, triệt hạ Chúa đến tận chân tường. Họ quá nhẫn tâm, quá độc ác, không còn tính người nữa.
Nhưng mà chúng ta lại nghe thấy những lời Chúa nói trong giây phút cuối cùng này:
– Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm ( Lc 23, 34 ).
– Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha ( Lc, 23, 46 ).
– Chúa tắt thở gục đầu xuống, viên sĩ quan đứng đó, nhìn thấy, thốt lên: Đúng người này là Con Thiên Chúa ( Mt 27, 54 ).
Qua đó, chúng ta nhận thấy chỉ nơi Chúa mới có lòng từ tâm, nhân hậu, khoan dung như thế, cho nên Chúa mới có những lời đầy tình yêu xót thương với những người giết Chúa giờ phút này để rồi Chúa mới chết một cách rất lành thánh, bình an, mặc cho những lời nhạo báng, chỉ trích, chê bai, thách thức, khiêu khích, lăng mạ, khạc nhổ như là một áp lực khiếp đảm, khủng bố vào Chúa, khiến cho Chúa không còn tâm trí dọn linh hồn trước khi chết, nhưng mà Chúa vẫn chết trong bình an, lành thánh.
Chúa được như vậy là vì Chúa đã phó thác hoàn toàn mọi sự trong tay Chúa Cha. Chúa tin tưởng một cách tuyệt đối vào quyền năng, vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đồng thời Chúa tha thứ cho những người làm hại Chúa. Đây là một sự kết thúc quá tốt đẹp và là mẫu gương về sự yêu thương, tha thứ cho kẻ làm hại mình để chúng ta noi theo Chúa trong cuộc sống đời này. Muôn ngàn đời thế trần ngợi khen Chúa.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã chịu đau khổ, chịu gánh lấy tội lỗi và chịu chết thay cho chúng ta. Lẽ ra chúng ta sẽ bị Chúa Cha trừng phạt vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ phải trầm luân, sẽ phải chết đời đời. Nhưng Chúa đã chịu chết thay cho chúng ta, nhờ đó mà Chúa Cha nguôi cơn giận, cơn thịnh nộ, tha thứ cho chúng ta và nhận chúng ta trở lại làm con của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đến trần gian cho chúng con và vì chúng con. Cuộc đời của Chúa chẳng lúc nào được yên ổn, bằng chứng là khi chúng con phạm tội là chúng con xúc phạm đến Chúa, chúng con quấy rầy Chúa, làm cho Chúa phải bận tâm, lo lắng, đau đớn. Một ngày chúng con phạm đến Chúa không biết bao nhiêu lần, chẳng những một ngày mà suốt cả cuộc đời chúng con, và không những một mình chúng con phạm tội mà còn hơn cả bảy tỷ người trên thế giới này cũng phạm tội. Đàng khác, khi chúng con đến xin ơn là chúng con gõ cửa, vòi vĩnh, làm phiền Chúa nữa, Chúa vẫn dịu hiền với chúng con vì Chúa thương chúng con, và Chúa chết cho chúng con. Xin cho chúng con từ nay biết chừa tội, chuyên cần làm các việc lành phúc đức để phần nào đền bù tội lỗi chúng con. Vì mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa, xin Chúa cứu chữa chúng con.

Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con vô ngần, Chúa đã vui lòng cho Con Một Chúa đổ máu đào trên thập giá để hoàn thành mầu nhiện Vượt Qua, đem lại ơn cứu độ cho loài người. Giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hoá và che chở đoàn con luôn mãi. Amen.
Lm Micae Võ Thành Nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *