Khi Chúa chịu nạn chịu chết, các tông đồ trở về làm cái nghề cũ của mình trước khi theo Chúa để sinh sống. Thánh Phêrô làm nghề chài lưới. Ngài trở về biển hồ Galilêa để đi đánh cá. Ngài có mặt ở biển hồ lúc này có lẽ vào buổi chiều gần tối để rồi ngài mới ra khơi đánh cá vào ban đêm. Vì chẳng ai thả lưới bắt cá vào ban ngày, bởi ban ngày cá thấy bóng người, bóng của chiếc lưới, nó sẽ trốn hết. Do đó, chỉ đánh bắt cá vào ban đêm mà thôi. Cùng có mặt lúc này, còn có thánh Tôma, thánh Giacôbê và thánh Gioan, con ông Giêbêđê và hai môn đệ khác nữa ( Ga 21, 1 – 2 ). Thánh Phêrô kêu gọi các ngài cùng đi đánh cá với thánh nhân, và các ngài nghe theo thánh Phêrô và đã chèo xuồng ra khơi ( Ga 21, 3 ).
Quả thật, khi Chúa còn sống, thánh Phêrô được Chúa cho làm trưởng các tông đồ. Chúng ta tưởng rằng khi Chúa chịu chết rồi thì mọi sự sẽ thay đổi, các tông đồ sẽ không còn xem thánh Phêrô như là người đứng đầu mình nữa. Đàng khác vì thánh Phêrô đã phạm tội chối Chúa tới ba lần, các tông đồ sẽ không tôn trọng ngài là điều cũng đúng thôi ! Nhưng không phải vậy, các tông đồ vẫn tôn trọng ngài, nghe lời ngài, không có gì thay đổi cả. Vì thế, khi thánh Phêrô nói: “ Tôi đi đánh cá đây. Các tông đồ khác nói rằng: Chúng tôi cùng đi với ông. Mọi người ra đi xuống thuyền “ ( Ga 21, 3 ). Như vậy, trong bất kể hoàn cảnh nào của cuộc sống, dù hoàn cảnh đó có thuận lợi hay không thuận lợi, có gian nan vất vả, hay là hạnh phúc, sung sướng, khổ đau….các tông đồ vẫn làm theo những gì Chúa đã dạy bảo. Đó là một bài học vô cùng quý giá cho chúng ta noi theo trong đời sống giữ đạo Chúa.
Chính vì các tông đồ rất dễ thương, luôn làm theo ý Chúa để rồi đêm hôm đó, các ngài không đánh được con cá nào thì Chúa lại hiện đến lúc các ngài gặp thất bại trong việc làm. Chúa bảo thánh Phêrô và các thánh tông đồ khác thả lưới bên hữu thuyền. Các ngài vâng lời Chúa, mặc dù Chúa đâu phải là người chuyên nghiệp đánh bắt cá, càng không phải là đánh cá vào ban ngày nữa. Nhưng các tông đồ, mà đứng đầu là thánh Phêrô đã làm theo lời Chúa nên đã trúng một mẻ lưới quá nhiều cá. Thánh Phê rô không thể nào tưởng tượng nỗi sự thành công này. Trong cuộc đời chài lưới của ngài, ngài chưa từng thấy thế bao giờ: “ Các ông liền thả lười và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá…Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới toàn đầy cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách “ ( Ga 21, 6; 11 ). Lúc này, các ngài có cá, có thức ăn mà khi hồi nãy Chúa hiện ra, Chúa nói: “ Này các con, có gì ăn không. Họ đồng thanh đáp: Thưa không “ ( Ga 21, 5 ). Như vậy, sự đồng tâm nhất trí theo sự đứng đầu của thánh Phêrô, và kế đó là vâng lời Chúa mà Chúa đã thương ban cho các tông đồ có được những gì hơn là mơ tưởng của các ngài. Đàng khác, Chúa hiện điện ở đó, Chúa ban thức ăn cho các ngài, các ngài hạnh phúc vô cùng: “ Các con hãy lại ăn đi “ ( Ga 21, 12 ).
Bữa ăn trên bãi biển vào sáng sớm tinh sương hôm nay là một bữa ăn huynh đệ, tràn đầy tình yêu, tình thầy trò. Chúa biết các tông đồ của Chúa rất cần những bữa ăn như thế này để các ngài nối kết lại tình đồng môn, chia sẻ những gì xảy ra trong cuộc sống của các ngài: Như là vui, buồn, sướng, khổ, thành công, thất bại, hạnh phúc, đau khổ ….mà khi Chúa đi vào cuộc khổ nạn, nó cũng không còn nữa, bây giờ phải duy trì lại. Nhất là vào buổi sáng sớm, không gian yên tĩnh, có chăng là tiếng của những con sóng vỗ bờ lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh, lúc yếu, để rồi Chúa dạy dỗ các ngài và các ngài không bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài, các ngài dễ dàng đón nhận lời Chúa hơn..
Các tông đồ ăn sáng trên bờ biển với Chúa mà lòng các ngài vui sướng hân hoan vì nghe lời Chúa bảo mà chúng mình trúng mẻ cá lớn. Giả sử các ngài ăn mà thất bại trong việc đánh bắt cá, không được một con nào, có lẽ các ngài lòng nặng trĩu, buồn bã, ăn sẽ không ngon, sẽ suy nghĩ mông lung nhiệu, vì không có tiền bán cá để nuôi sống mình. Nhưng quan trọng hơn cả là các ngài đã biết Chúa sống lại rồi. Bởi vì sau khi Chúa sống lại, Chúa vẫn thương các ngài như ngày nào, vẫn gần gũi với các ngài, vẫn hướng dẫn, dạy dỗ, vẫn ăn uống cũng như ân cần giúp đỡ các ngài trong các bữa ăn, mà Chúa giống như là người phục vụ các ngài: “ Chúa lại gần, cầm lấy bánh, trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế “ ( Ga 21, 13 ). Vì thế mà các ngài tin Chúa sống lại là như thế. Đức tin vào Chúa sống lại của các ngài tiến bộ thật mau lẹ, mới lần hiện ra lần thứ ba thôi mà các ngài đã biết Chúa rồi. Đây là ơn Chúa ban cho các ngài: “ Đây là lần thừ ba, Chúa hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại “ ( Ga 21, 14 ).
Lạy Chúa, tin vào sự sống lại trước hết là ơn Chúa ban, kế đến là những cố gắng, nổ lực của chúng ta cộng tác với ơn Chúa. Xin Chúa thương tuôn đổ dồi dào ơn Chúa xuống trên chúng con, nhất là cho chúng con biết luôn sống trong tâm tình cảm tạ tri ân Chúa về ơn đức tin mà Chúa thương ban cho chúng con để chúng con được Chúa cứu chúng con sau này.
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.
Lm Micae Võ Thành Nhân