CHÚA NHẬT II P S NĂM C (Ga 20, 19 – 31) LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA (Tác giả: Lm Micae Thành Nhân)

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thánh Phêrô, thánh Gioan, chị thánh Maria Mađalenna chạy ra mồ đều thấy mồ Chúa trống, nhưng chỉ có thánh Gioan là tin Chúa đã sống lại. Đến chiều hôm nay, cách hồi sáng chỉ mười tiếng đồng hồ, có lẽ trời cũng sắp tối rồi, các tông đồ đang họp nhau lại, cửa đóng kín. Lý do đóng kín cửa là vì sợ người Do Thái. Người Do Thái đã bắt và giết Chúa, thì các ngài là những đầu đệ của Chúa cũng sẽ bị như thế mà thôi. Nỗi sợ đó xâm chiếm toàn bộ con người các ngài. Các ngài không dám đi ra ngoài, kẻo những người Do Thái thấy, nguy hiểm cho tính mạng các ngài. Nói như ngôn ngữ ngày hôm nay là các ngài trốn chui trốn nhủi. Điều ấy làm cho chúng ta thấy các ngài thật yếu đuối, không còn bản lãnh của một người nam nhi nữa. Đâu rồi thánh Simon, thánh Giacôbê, thánh Giuđa nhiệt thành, có khi là quá khích, có máu dân tộc, không sợ bất cứ một người nào. Bình thường các ngài mạnh mẽ lắm kia mà, nhưng sao bây giờ lại trở thành nhát đảm, sợ sệt. Với hoàn cảnh của các ngài lúc này như thế, chúng ta lại thấy những người Do Thái đã đối xử quá khủng khiếp, quá gian ác với Chúa, không ngôn ngữ nào diễn tả hết sự thâm độc, man rợ đến nỗi thánh Simon, thánh Giuđa mạnh mẽ như vậy mà còn phải sợ nữa, huống chi là các tông đồ khác. Chúng ta thương, và thông cảm cho các ngài là quá đúng.
Đàng khác, trong nội bộ các ngài, với cuộc khổ nạn của Chúa, các ngài đã bỏ Chúa chạy trốn hết, chỉ có thánh Phêrô đi theo, nhưng rồi cũng chối Chúa tới ba lần ( x Mc 14, 66 – 72 ). Các ngài thật có lỗi với Chúa, không trung thành với Chúa. Nặng hơn là dường như các ngài phản bội Chúa. Suy đi nghĩ lại chắc các ngài rất xấu hổ với Chúa. Vì trước đó, thời gian gần đây thôi, thánh Phêrô với tư cách là tông đồ trưởng, đại diện cho các tông đồ khác đã mạnh mẽ, dỏng dạc tuyên bố: “ Simon Phêrô liền đáp: Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa “ ( Ga 6, 68 – 69 ) hoặc là: “ Phêrô thưa: Dù tất cả vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã…Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy. Tất cả các mộn đệ cũng đều nói như vậy “ ( Mt 26, 33 – 35 ). Điều này, các ngài đã phạm vào lời mà người xưa thường nói: “ Có phúc cùng hưởng, có hoại cùng chia “ làm cho lương tâm các ngài bị dằn vặt, day dứt. Hơn nữa, các ngài đang nghe đồn đoán về Chúa sống lại thì sự dằn vặt, day dứt lại càng lớn hơn, không biết phải nói làm sao đây về sự phản bội của mình khi phải đối diện với Chúa phục sinh ? Không biết Chúa có tha thứ cho mình không, hay là Chúa trừng phạt mình ? Chúng mình xin lỗi Chúa thì Chúa có bỏ qua cho không ? Hoặc là vật chất hơn, hay tệ hơn nữa là mai kia Chúa lên làm vua, Chúa có cho mình một chỗ trong vương quốc của Chúa hay là Chúa phế bỏ mình ? Tất cả những suy nghĩ này làm cho tâm hồn các ngài xao động, lo âu, sợ sệt..không bình an.
Chúa chịu nạn chịu chết, tuy các tông đồ không làm theo ý Chúa dẫn đến việc xáo trộn như thế, Chúa vẫn thương các ngài, thương một cách vô cùng. Chúa hiện đến với các ngài trong giờ phút này để Chúa ban bình an cho các ngài, an ủi các ngài, vực dậy những sa ngã, thất vọng của các ngài để các ngài lấy lại tinh thần, vượt qua tất cả mọi yêu đuối, sợ hãi và tiếp tục cuộc hành trình theo Chúa: “ Chúa hiện đến đứng giữa các ôn và nói rằng: Bình an cho các con. Khi nói điều đó, Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn Người…Người thổi hơn và phán bảo các ông rằng: Các con hãy nhận lấy Thánh Thánh, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, tị tội người ấy bị cầm lại “ ( Ga 20, 19 – 23 ).
Trong lúc Chúa hiện ra đây, không có thánh Tôma ở với các ngài. Thánh Tôma đi vắng. Chúng ta không biết vì sao thánh nhân lại vắng mặt lúc dầu sôi lửa bỏng này. Có phải vì ngài quá sợ những người Do Thái cho nên đã tách ra với các tông đồ khác hay không ? Thánh Tôma không tách mình ra riêng vì sau đó, ngài đến với các tông đồ, họp với các ngài, nhưng lúc này thì không còn Chúa ở đó nữa. Chúng ta có thể nói rằng, những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão có suy nghĩ đánh rắn là đánh dập đầu, giết Chúa chết thì sẽ làm cho các tông đồ sẽ phân tán, rịu rã, nhưng họ không làm được. Bằng chứng là hôm nay các tông đồ vẫn họp nhau, thánh Tôma bị đến trễ, tám ngày sau, các tông đồ họp nhau thì đầy đủ, không vắng một ai.
Khi thánh Tôma vắng mặt, các tông đồ đã kể lại việc thấy Chúa sống lại, ngài không tin mà còn nói: Nếu tôi không nhìn thấy các vết đinh của Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi không tin…..để rồi lần hiện ra sau này, có đầy đủ các tông đồ, Chúa cho thánh Tôma đến thực hiện những gì mà ngài nói trước kia, ngài không dám và chỉ biết tuyên xưng Chúa: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con ( Ga 20, 24 – 29 ).
Như vậy, dù người đời có phá đám các tông đồ, dù trong nội bộ các tông đồ còn có những trục trặc trong niềm tin, đôi khi dễ bất đồng, chia rẽ, phân tán, Chúa thương các tông đồ, Chúa bảo vệ các ngài, không để cho các ngài sụp đổ, Chúa duy trì, cũng cố sự đoàn kết giữa các ngài với nhau. Lòng thương xót của Chúa quá cao vời, quá lớn lao mà toàn thể Giáo Hội dâng lễ kính Lòng Chúa Thương Xót hôm nay.
Lạy Chúa, Chúa là chỗ dựa vững chắc cho chúng con trước phong ba bão táp của cuộc đời này, xin Chúa thương ban cho chúng con luôn biết ca ngợi Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Amen.
Lm Micae Võ Thành Nhân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *