Đây là lần thứ hai Chúa cho các tông đồ biết về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa: “ Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại “ ( Mc 9, 31 ).
Các tông đồ không hiểu lời đó vì các ngài đang tranh luận xem ai là người lớn nhất trong nước của Chúa. Các ngài tranh luận với những lý lẽ của riêng mình để tìm ra ai là người được diễm phúc này. Có lẽ người nào cũng ham muốn được làm lớn, ham muốn được ngồi bên hữu, bên tả Chúa, cho nên các ngài chẳng nhường nhịn nhau.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều lúc chúng ta cũng giống các tông đồ năm xưa, vì chén cơm manh áo, vì chiếc ghế quyền lực, vì một vài tấc đất, vì một vài đồng tiền, vì một chút sản nghiệp thừa kế …., mà chúng ta tranh giành nhau, làm mất hết tình nghĩa để rồi coi nhau như kẻ thù, đôi khi còn chém giết nhau gây ra án mạng, người thì thiệt mạng, người thì tật nguyền suốt đời, người thì bị vướng vào vòng lao lý tù đày.
Thánh Giacôbê tông đồ trong bài đọc hai hôm nay, ngài cho chúng ta thấy nguyên nhân và hậu quả của những việc tranh chấp hơn thua là do những đam mê đang giao chiến trong chi thể chúng ta. Một cách cụ thể:
-Anh em ham muốn mà không được hưởng nên anh em giết nhau ( Gc 4, 2a ). Đây là hình thức chiều theo những đam mê xác thịt quá đáng, làm cho tâm trí con người chúng ta ra tối tăm, không còn biết làm chủ bản thân, phân biệt phải trái trong cuộc sống.
-Anh am ganh tỵ mà không được mãn nguyện nên anh em cạnh tranh và cãi cọ ( Gc 4, 2b ). Đây là một cách sống hơn thua nhau, kèn cựa nhau, muốn mình phải vượt trội hơn người khác về mọi phương diện, không bao giờ chấp nhận thua sút một ai. Nó là một hình thức kiêu ngạo, không biết sống khiêm nhường, làm cho cuộc sống không được bình an.
-Anh em không có là vì anh em không xin, anh em xin mà không được, là vì anh em tà ý ( Gc 4, 3 ). Đây là một lối sống không biết tựa nương vào Chúa, chỉ biết dựa vào sức mình, sống đạo mà còn mưu mô, không thật lòng với Chúa.
Hậu quả của nó là hỗn độn và đủ mọi thứ tệ đoan. Mặt khác, nó cũng làm cho chúng ta mù quáng, không còn biết ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, chẳng hy vọng vào phần thưởng công chính, và cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện ( Kn 2, 19 – 20 ).
Vì ai cùng muốn làm lớn, muốn sung sướng, muốn có kẻ hầu người hạ, cho nên các tông đồ không đồng cảm, không sẻ chia khi Chúa nói về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Dường như các ngài thấy rõ các ngài “ Đồng sàng dị mộng “ với Chúa, cho nên các ngài sợ Chúa không dám hỏi Chúa về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, và còn làm thinh không dám trả lời khi Chúa hỏi: “ Dọc đường các con tranh luận gì thế “ ( Mc 9, 33b ).
Chúa dạy các ngài: “ Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “. Chúa đưa một em bé lại để làm gương cho bài học này, đó là hãy hạ mình xuống, sống khiêm nhường, phục vụ, tiếp đón người anh chị em của mình vì danh Chúa, mà tiếp đón anh chị em mình là tiếp đón chính Chúa, và tiếp đón Chúa là tiếp đón Đấng đã sai Chúa ( Mc 9, 35 – 37 ).
Em bé mà Chúa đưa đến để làm mẫu gương cho sự khiêm nhường, phục vụ, đón tiếp anh chị em mình của các ngài và cả chúng ta hôm nay thật nhiều ý nghĩa. Trong các ý nghĩa đó, chúng ta còn khám phá ra một ý nghĩa nữa cũng quan trọng vô cùng là trẻ em là tương lai, là rường cột của một đất nước sau này. Ngày mai các em sẽ như thế nào là do cách sống, cách dạy dỗ của chúng ta ngày hôm nay. Do đó, chúng ta càng phải nghe lời Chúa dạy, càng phải sống gương mẫu, luôn làm gương sáng cho các em noi theo về đời sống đạo, đời sống nhân đúc, đời sống yêu thương hạ mình, khiêm nhường, phục vụ, đón tiếp, đoàn kết. Có cố gắng làm gương sáng như thế, các em mới sống tốt và chúng ta mới được Chúa đỡ nâng, chúc phúc, ban ơn cho chúng ta.
Qua đó, Chúa cũng dạy chúng ta giống như các ngài và Chúa còn dạy thêm chúng ta một điều nữa là để tránh ganh tỵ hơn thua nhau, chúng ta phải sống khiêm nhường, đơn sơ, trong trắng, ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ, không xét đoán thiên vị, không giả dối, luôn hân hoan phục vụ và lo xây dựng cuộc sống cho mình và mọi người trong bình an và thắm được tình yêu của Chúa ( Jac 3, 16 – 4, 3 ).
Lạy Chúa, Chúa chịu chết vì chúng con mà chúng con lại sống quá nhỏ nhen, ích kỷ với nhau. Chúng con chỉ muốn hơn người khác chứ chẳng muốn người khác hơn mình. Xin Chúa cho chúng con biết sống khiêm nhường, yêu thương, phục vụ, biết dùng đôi chân của chúng con để đến với tha nhân và dùng đôi tay để giúp đỡ mọi người. Làm như vậy là chúng con nơi gương Chúa, vì như Chúa đã nói: “ Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người “ ( Mt 20, 28 ).
Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Amen.
Lm Micae Võ Thành Nhân