Suy Niệm Chúa nhật 19 Thường niên năm A (13/08/2023)

1. Bài đọc 1:

Vì lòng trung thành với Đức Chúa và việc phụng thờ Ngài, ngôn sứ Êlia một mình đương đầu với mấy trăm ngôn sứ của Baal và đã chiến thắng vẻ vang (x. 1 V 18,20-40). Nhưng cuộc chiến thắng của ngôn sứ Êlia đã dẫn đến việc ông bị truy đuổi và phải chạy trốn (x. 1 V 19,1-3a). Trong cuộc chạy trốn đầy cô đơn và mệt mỏi, có lúc ngôn sứ Êlia muốn buông xuôi, nhưng lại được Đức Chúa dưỡng nuôi và thêm sức mạnh để ông có sức đi đến núi của Đức Chúa để gặp Ngài (x. 1 V 19,3b-8). Đoạn sách các Vua hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ đó, một cuộc gặp gỡ lạ kỳ.

Trước hết, đối với dân Israel, Thiên Chúa là Đấng uy nghi, cao cả nên những lần Ngài xuất hiện thường đi kèm với tiếng sấm chớp, mây mù, gió bão, núi đồi rung chuyển làm cho dân chúng sợ hãi (x. Xh 19, 16-19). Tuy vậy, Thiên Chúa tỏ hiện cho ngôn sứ Êlia không ở trong gió bão, không ở trong cơn động đất, cũng không ở trong ngọn lửa, mà theo sau ngọn gió hiu hiu. Thiên Chúa quyền năng, uy nghi, đáng sợ lại tỏ mình ra cách thân thương, dịu dàng. Chắc hẳn Thiên Chúa biết vị ngôn sứ vừa trải qua một cuộc chạy trốn đầy hiểm nguy và mệt mỏi nên cần được ủi an, vỗ về, nâng đỡ để có sức hoàn tất sứ mạng ngôn sứ của mình. Quả thật, sau cuộc gặp gỡ này, ngôn sứ Êlia được Thiên Chúa ủy thác thi hành sứ vụ sau cùng trước khi chuyển giao sứ mạng ngôn sứ lại cho môn đệ (x. 1 V 19, 15-21).

Sau nữa, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt (x. St 32, 31; Xh 33, 11), dân Chúa không thể nhìn thấy dung nhan Người mà vẫn còn sống (x. Xh 33, 20-23; Tl 6, 22-33). Giữa Thiên Chúa của Cựu Ước và con người vẫn có một khoảng cách rất lớn; và ngôn sứ Êlia cũng không phải là ngoại lệ khi ông phải lấy áo choàng che mặt khi Thiên Chúa đi qua. Hiểu được sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người theo quan điểm Cựu Ước để nhận ra tình yêu và sự quan phòng tuyệt vời của một Thiên Chúa làm người trong Tân Ước, một Thiên Chúa cắm lều giữa lòng nhân loại (x. Ga 1, 14), một Thiên Chúa ở giữa các môn đệ trong cơn gió bão để an ủi và thêm sức mạnh cho các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (x. Mt 14,27).

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô phải đau đớn nhìn nhận một sự thật là dù dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ đầu để chuẩn bị cho công trình cứu độ, nhưng phần nhiều trong số họ lại khước từ Tin Mừng, không tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ.

Trước hết, vì là con cháu của các tổ phụ, dân Israel đã được Thiên Chúa nhận làm con, được phúc thấy vẻ uy phong và quyền năng của Ngài; họ còn được Thiên Chúa ký giao ước và ban cho lề luật; đồng thời, họ còn có một nền phụng tự bài bản cùng với các lời hứa của Thiên Chúa. Và điều quan trọng hơn cả là Đức Kitô, xét theo huyết thống cũng cùng một giống nòi với họ, nhưng họ lại không tin Người là Con Thiên Chúa và không đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Đức Kitô mang đến. Như thế, những đặc ân mà Thiên Chúa dành riêng cho dân được tuyển chọn là Israel không thể bảo đảm cho họ được ơn cứu độ nếu họ thiếu đi điều căn bản là đức tin vào Chúa Giêsu.

Sau nữa, thánh Phaolô thừa nhận nỗi khổ tâm và sự day dứt tột cùng khi những người đồng bào mình lại chối từ Đức Kitô. Với tấm lòng mục tử, thánh nhân ước sao ngài có thể trả một cái giá thật đắt, thậm chí bị nguyền rủa lìa xa Chúa Kitô, thì ngài cũng cam lòng chấp nhận miễn sao những người đồng bào tin nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tuy vậy, thánh Phaolô phải chấp nhận sự thật phũ phàng về sự cứng lòng tin của những đồng bào mình, để rồi nhìn ra một niềm hy vọng mới dành cho dân ngoại. Sự cứng lòng không đón nhận Đức Kitô của dân Israel là cơ hội để dân ngoại được mời gọi đón nhận Tin Mừng (x. Rm 9,25-33).

3. Bài Tin Mừng:

Ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu liền hối thúc các môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia trong khi Người giải tán đám đông và lên núi cầu nguyện một mình. Những vất vả, khó khăn của các môn đệ khi vượt biển là cơ hội để các ông thêm một lần nữa nhận ra uy quyền của Đức Giêsu.

Thật vậy, khi đã đi xa khỏi bờ, thuyền các ông “bị sóng đánh vì ngược gió”. Là những ngư phủ lành nghề, việc gặp sóng gió khi chèo thuyền vượt biển là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ biểu tượng trong Kinh Thánh, biển như một sức mạnh của sự dữ nên việc các môn đệ “bị sóng đánh ngược vì gió” trong đêm tối không đơn giản chỉ là chuyện chèo thuyền vượt biển trong gió bão. Đúng hơn, hình ảnh sóng gió là biểu tượng của việc các ông đang phải vật lộn với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống làm môn đệ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả, thử thách mà các môn đệ đang phải trải qua. Người nhìn thấy sự mong manh, yếu đuối của các ông khi đứng trước sức mạnh của sự dữ. Người nhìn thấy sự cô đơn, trống vắng trong tâm hồn các ông khi phải một mình chống chọi với sức mạnh của sự dữ mà không có sự hiện diện của Thầy. Người không bỏ mặc nhưng đến với các ông vào canh tư đêm tối khi các ông đã quá mệt mỏi, rã rời, kiệt sức, lúc các ông thật sự cần Người nhất. Người đến với các môn đệ để các ông có thêm động lực mà phấn đấu, mà cố gắng trong cuộc vật lộn với sức mạnh của bóng tối.

Tuy vậy, khi Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến cùng các môn đệ, thì các ông lại không nhận ra Người; các ông không dám tin đó là Chúa Giêsu. Phải chăng khi quá mệt mỏi và cô đơn, mắt các ông như bị mờ đi? Hay vì các ông vẫn chưa thật sự nhận ra và tin cách chắc chắn vào uy quyền của Chúa Giêsu, ngay cả khi các ông vừa chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá để nuôi đám đông dân chúng? Hay các ông vẫn sợ sức mạnh của biển dữ, sóng gầm, hơn là tin vào uy quyền của Chúa Giêsu? Lời trách móc và cũng là lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” giúp thánh Phêrô và các môn đệ nhìn rõ mình hơn, thấy đức tin của mình còn mong manh, để các ông không dựa vào sức riêng của mình, nhưng biết dựa vào Chúa Giêsu, biết kêu cầu danh Người để được Người đỡ nâng: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”.

Sau cùng, khi Thầy trò đã lên thuyền thì gió lặng ngay. Nơi đâu có Chúa Giêsu thì sức mạnh của bóng tối, của sự dữ không thể đe dọa các môn đệ. Khi các môn đệ có Chúa Giêsu ở cùng, ở bên, ở giữa, thì quyền lực của biển cả, của đêm đen không thể làm hại các ông. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có sự an toàn, bình yên. Những ai đặt niềm tin vững vàng vào Chúa Giêsu thì luôn được an bình; bình an không vì vắng bóng những bất trắc, khổ đau, thử thách nhưng an bình vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *