I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Hc 27,30-28,7
Đây là một đoạn của sách Huấn ca, được trích trong phần ‘tuyển tập các châm ngôn’ (Hc 1,1-42,14) với nội dung chính bàn về sự thù hận dưới ánh sáng của Đức Khôn Ngoan. Qua đoạn trích sách này, tác giả muốn làm nổi bật ba ý chính:
Ba nguyên tắc nền tảng: 1/ Oán hờn và giận dữ luôn là điều ghê tởm trước nhan Chúa; 2/ Ai báo thù sẽ phải chuốc lấy báo thù của Thiên Chúa; 3/ Kẻ biết tha thứ lầm lỡ cho người khác sẽ được thứ tha khi cầu khẩn cùng Thiên Chúa.
Ba nghịch lý: 1/ Kẻ trong lòng cứ nuôi cơn giận, lại cả dám xin Chúa chữa lành; 2/ Người không biết thương đồng loại, lại dám xin Chúa tha cho mình; 3/ Đứa luôn để tâm thù hận, ai dám xin tha tội cho nó.
Bốn điều tâm niệm: 1/ Hãy nhớ đến ngày tận số, để biết chấm dứt hận thù; 2/ Hãy nhớ mình phải hao mòn và phải chết, để biết tuân giữ điều răn; 3/ Hãy nhớ các điều răn, để đừng oán hờn kẻ khác; 4/ Hãy nhớ đến giao ước của Thiên Chúa, để không còn chấp nhất lỗi lầm.
2. Bài đọc II – Rm 14,7-9
Đây là đoạn trích trong phần ‘bổn phận đối với những người yếu tin’ của Thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma. Khởi đi từ sự khác biệt trong suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày như: người ăn kẻ lại không ăn, người này đứng vững người khác ngã quỵ, người thì cho ngày này trọng kẻ khác lại ngày khác mới trọng… Các Kitô hữu thành Roma đã bị cám dỗ lấy mình làm chuẩn để đưa ra những nhận định rất chủ quan có nguy cơ làm tổn thương tương quan với anh chị em khác.
Chính vì thế, trong đoạn trích bài đọc II, thánh Phaolô khuyên mọi người hãy lấy Chúa làm chuẩn để lượng định mọi suy nghĩ, lời nói và nhất là hành động của mình: ‘Không ai trong anh em được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa.’ Rồi ngài đi đến kết luận: ‘Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.’
3. Bài Tin mừng – Mt 18,21-35
Đây là phần cuối cùng của bài giảng về đời sống cộng đoàn, hay bài giảng về Giáo hội. Đoạn Tin mừng khởi đi từ một vấn nạn được đặt ra bởi Phêrô: Phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần khi anh em xúc phạm đến mình ? Chúa Giêsu không hề phủ nhận điều mà Phêrô vừa gợi ý: ‘tha bảy lần’ nhưng Chúa muốn sự tha thứ của Phêrô phải được đẩy tới xa hơn nhiều, khi Ngài quảng diễn cho Phêrô: ‘…không phải là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy.’
Qua câu chuyện dụ ngôn liền sau đó, Chúa Giêsu đã muốn chỉ ra thế nào là sự tha thứ mà Phêrô cần có khi bị xúc phạm, qua hình ảnh của một nhân vật nhưng đóng hai vai trái ngược nhau:
Vai con nợ với số nợ lên đến 10.000 yến vàng = 10.000 x 6.000 quan tiền = 60.000.000 quan tiền = 60.000.000 ngày công. Một món nợ mà người này có phải trả tới 200.000 năm vẫn chưa hết số nợ! Nhưng anh van xin lạy lục nên chủ chạnh lòng thương và tha tất cả cho anh ta.
Đến lượt anh, khi đóng vai ông chủ nợ với số nợ chỉ là 100 quan tiền, tương đương 100 ngày công (bằng 1/600.000 so với món anh đang nợ của chủ), nhưng anh ta đã không chịu tha thứ.
Cuối cùng, anh bị chủ kết án vì đã không biết thương xót NHƯ đã được xót thương. Xét về lượng: 100 không bao giờ có thể bằng 60.000.000. Nhưng dưới một khía cạnh khác, anh đã mắc nợ 60.000.000 và đã được tha 60.000.000, nghĩa là anh đã được tha tất cả. rồi đến lượt mình, anh bị mắc nợ 100, và nếu anh tha 100, nghĩa là anh cũng đã tha tất cả.
Điều Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô về sự tha thứ, đó là: Nếu Chúa đã tha cho ta tất cả thì Chúa cũng muốn ta phải biết tha tất cả giống như thế.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Khi khuyên nhủ: ‘Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa’, Thánh Phaolô muốn mời gọi mọi tín hữu quy chiếu trọn cuộc đời về Chúa và cho Chúa. Nói cách khác, biết lấy Chúa làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Cơn cám dỗ không hề nhẹ nhàng và luôn ở bên cạnh mỗi tín hữu, đó là cơn cám dỗ lấy mình làm chuẩn để quyết định mọi sự theo sự khôn ngoan của con người.
2. ‘Ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ Thái độ tha thứ luôn luôn và tha thứ tất cả trong tương quan với mọi người chính là điều kiện công bằng đòi buộc cho việc trước đó chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ luôn luôn và tất cả. Tuy nhiên, một nghịch lý luôn chi phối mọi tín hữu khi sống trong cộng đoàn, đó là chỉ muốn được tha thứ nhưng lại không dễ dàng thứ tha.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn, và Người chờ đợi chúng ta cũng hết lòng tha thứ cho nhau. Với quyết tâm sống bao dung nhân từ như Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện.
1. “Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các mục tử trong Hội Thánh luôn khiêm tốn thể hiện lòng nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa khi thi hành phận vụ, trở nên chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. “Hãy kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, biết tin nhận và kính sợ một Thiên Chúa nhân từ, luôn chọn sự thật làm chuẩn mực khi giải quyết các bất đồng tranh chấp, và lấy yêu thương làm nguyên tắc định hướng cho mọi hành động.
3. “Dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết gắn bó đời mình với Tin mừng và sứ vụ của Đức Kitô, luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ những kẻ bé mọn trong xã hội, cách riêng những ai đang phải đau khổ vì nạn kỳ thị sắc tộc, tôn giáo hay phân biệt giai cấp.
4. “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa, luôn có thái độ bao dung trước những lầm lỗi của nhau, và thắp sáng môi trường sống của mình bằng tấm lòng từ bi nhân hậu.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện của chúng con hôm nay, và ban ơn trợ giúp để chúng con thêm hăng hái xây dựng nước trời khi quyết tâm thực thi lời dạy của Đức Giêsu, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.