Ngôi mộ biểu hiện cho sự chết. Chết là ngàn thu vĩnh biệt. Chúng ta buồn khi nhìn thấy những ngôi mộ ở các nghĩa trang. Nhất nữa, nghĩa trang là nơi yên nghỉ của các linh hồn. Nơi đây, không gian trầm mặc, tĩnh lặng, không một tiếng động, không ồn ào, không náo động, không sôi nổi; điều ấy đã làm cho nhiều người nói rằng nghĩa trang là một thành phố buồn.
Thành phố buồn là bởi vì nó chôn vùi biết bao ước mơ, biết bao dự tính tốt đẹp của chúng ta dưới ba tấc đất mới thật là nhà: “ Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mãi dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ “ ( Is 38, 12 ). Người đời hàng bao thế kỷ luôn nghĩ suy, bất lực, thẫn thờ, lạc lối, cho nên dòng lệ chúng ta vẫn cứ tuôn chảy mãi khi tiễn đưa người thân đến nơi an nghĩ cuối cùng. Sự chết vẫn cứ thống trị con người chúng ta.
Hôm nay, Chúa đã chịu treo trên thập giá và Chúa đã chết thật rồi. Thân xác của Chúa đã được hạ xuống khỏi thập giá và được an táng trong huyệt đá. Tảng đá ngôi mộ Chúa được lấp lại. Lòng đất mẹ ôm chặc lấy thân xác Chúa. Hết rồi một đời người, không còn một chút hy vọng gì nữa, dù thật nhỏ nhoi và mong manh vô cùng, sự tranh luận của các tông đồ: ” Ai là người lớn nhất trong nước của Thầy ? ” đã khép lại. Thời gian lúc này như ngừng trôi, không gian khi ấy như chững lại, lặng thinh, êm đềm không một tiếng lay động, triều thần thánh và muôn vật, muôn loài đang nghiêng mình đợi chờ: ” Con người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, ngày thứ ba sẽ sống lại ” ( Mt 16, 21 ).
Chúa đã nói một cách thật chắc chắn như vậy, và rồi Lời Chúa là chân lý , cho nên loài người chúng ta chỉ còn biết có đợi, có chờ trong niềm hy vọng tràn trề mà thôi. Ôi thời gian bây giờ sao mà keo dài quá, không gian như vô tận, sâu thẳm, ngút ngàn hơn, và màu tím buồn tang tóc giăng mắc bao trùm vũ trụ, bóng tối vây phủ khắp nơi, dường như là bế tắc hoàn toàn. Nhưng từ vực sâu thẳm cùng cực, não nề, chán chường của địa cầu, chúng ta ngước mắt nhìn lên, ô kìa hừng đông đã bắt đầu ló dạng, xuất hiện rồi, ánh sáng phục sinh bừng lên, Chúa đã sống lại thật rồi. Tử thần bị đánh bại, cửa âm ty ngục thất bị phá vỡ, xích xiềng nô lệ của xác thịt, thế gian, ma quỷ bị tháo tung, gông cùm của tội lỗi bị bẻ gãy. Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sự chết và cho chúng ta được tự do, được sống lại để hưởng vinh quang thiên quốc với Chúa.
Chúng ta tin Chúa đã sống lại thật là bởi vì chúng ta bám chặt vào lời Chúa và chúng ta yêu Chúa với một tình yêu thắm thiết, trọn đời gắn bó với Chúa, đi theo Chúa dù có phải đối diện với bao gian nan, thử thách, và đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa, chúng ta sẽ được sống lại vinh quang với Chúa sau này: “ Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin Ta sẽ không phải chết muôn đời “ ( Ga 11, 25 – 26 ).
Nhất nữa, vì là chúng ta tin vào Chúa Phục Sinh, cho nên sự chết đối với chúng ta lúc này không là dấu chấm hết mà là cách cửa mở ra để bước vào cuộc sống vĩnh cửu, và ngôi mộ, nơi an táng không là nỗi buồn, sự chua chát, não nề, thất vọng mà là chỗ chúng ta nằm chờ đợi sự phục sinh trong ngày cánh chung. Như vậy, sự chết và ngôi mộ ở nghĩa trang đối với chúng ta không là thành phố buồn nữa, nó mang tính tích cực chứ không tiêu cực, bi đát, thê lương nữa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hàng ngày đi theo con đường thập giá của Chúa. Con đường thập giá là con đường tình yêu dẫn chúng con đến sự sống đời đời, xin cho chúng con đi trọn con đường này bằng cách bỏ ý riêng, làm theo ý Chúa, sống cho Chúa và với anh chị em của chúng con. Amen